Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong

Nữ doanh nhân Vũ Thị Lệ Thủy người dân tộc Mường tạo nên chuỗi liên kết trồng cam theo hướng hữu cơ, đem cam Cao Phong (Hòa Bình) đến tay khách hàng cao cấp.

Với mong ước tạo ra những sản phẩm cam Cao Phong ngon, sạch, an toàn… sánh ngang với các loại trái cây nhập khẩu, nữ doanh nhân Vũ Thị Lệ Thủy đã huy động bà con người dân tộc Mường tạo nên chuỗi liên kết trồng cam theo hướng hữu cơ, đem cam Cao Phong đến tay khách hàng cao cấp.

“Cam quà tặng cao cấp 3T farm”

Là người gắn bó với cây cam Cao Phong từ nhỏ, chị Vũ Thị Lệ Thủy (40 tuổi) – Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (HTX 3T farm) thuộc thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) luôn trăn trở làm sao để trồng cam theo hướng bền vững, tạo thương hiệu cam ngon sạch, có giá trị ổn định trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.

Chị Thủy cho biết, để cam Cao Phong có chỗ đứng trên thị trường, cần phải có quy trình sản xuất an toàn, minh bạch, có tem truy xuất rõ ràng. Năm 2018, chị Thủy thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong, cùng với các hộ dân thành viên trồng cam theo hướng hữu cơ, hình thành chuỗi liên kết vùng trồng, hỗ trợ người dân phân bón, kỹ thuật chăm sóc, kết nối bao tiêu sản phẩm.

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong
Chị Vũ Lệ Thủy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây cam với thành viên trong HTX

Theo chị Thủy, để quả cam đạt chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn thì ngoài việc dùng phân bón hữu cơ, HTX còn sử dụng các loại thảo mộc như: Gừng, tỏi, men rượu… để chăm bón cho cây cam. Bên cạnh đó, “bí kíp” của chị là cho cỏ mọc tại vườn cam để giữ nước, khiến đất tơi xốp, cây cam từ đó dễ hấp thụ chất dinh dưỡng, quả cam cũng căng tròn, mọng nước hơn.

Nói về sản phẩm “Cam quà tặng cao cấp 3T farm”, chị Thủy cho biết, đó là “đứa con tinh thần” của chị, dành nhiều tâm huyết và công sức nhất, bởi lẽ cả vườn cam sau khi thu hoạch, trái cam được chọn lọc rất kỹ càng, chỉ có khoảng 8 – 10% tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng theo hướng quà tặng cao cấp.

Sau khi phân loại, cam được đưa vào xưởng rửa sạch, chiếu đèn cực tím để khử trùng, dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả cam trước khi đóng gói vào hộp quà tặng được thiết kế bắt mắt, độc đáo. Chị hy vọng sản phẩm này sẽ sánh ngang với cái loại trái cây nhập khẩu, mục tiêu hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp trên thị trường.

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong
Anh Đặng Xuân Giáp phấn khởi vì năm nay cam Cao Phong được mùa, được giá

Anh Đặng Xuân Giáp (40 tuổi, xã Tây Phong) chia sẻ: “Gia đình tôi có 6.000m2 đất trồng cam với các loại cam canh, cam V2, cam lòng vàng. Từ khi tham gia vào HTX 3T farm, chúng tôi được chị Thủy và HTX 3T farm hỗ trợ rất nhiều về phân bón, cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây cam, nhất là việc không phải lo đầu ra sản phẩm. Năm nay, vườn cam nhà tôi dự kiến đạt khoảng hơn 20 tấn, thu về khoảng 600 triệu đồng”.

Đến nay, HTX 3T Farm có 15 thành viên và trên 20ha đất trồng cam đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng hơn 300 tấn/năm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, HTX còn có các sản phẩm chế biến từ cam như mứt cam, trà detox cam, bột cam nguyên chất… Đặc biệt, HTX đang phát triển thương hiệu sản phẩm “Cam quà tặng cao cấp 3T farm” hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, được thị trường ủng hộ, đón nhận.

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong
Chị Vũ Thị Lệ Thủy bên những trái cam sạch, căng tròn, mọng nước nhờ trồng theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP

Hiện cam 3T Farm đã được chứng nhận OCOP 4 sao với thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn và cửa hàng thực phẩm sạch. Tháng 11/2021, cam 3T Farm được duyệt và đưa vào phục vụ tại kỳ họp Quốc hội. HTX 3T Farm còn là 1 trong 35 dự án vượt qua hơn 740 dự án của cả nước đoạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. HTX cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, nhất là lao động nữ người dân tộc thiểu số.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Bà Đinh Thị Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến ngày 30/9/2023, toàn tỉnh Hòa Bình có 451 HTX đang hoạt động; trong đó có khoảng 60% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trên 320 HTX có người dân tộc thiểu số tham gia vào Ban lãnh đạo và trên 100 tổ hợp tác do người dân tộc thiểu số quản lý, vận hành hoạt động.

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong
Cam Cao Phong của HTX 3T farm được rửa sạch trước khi đem đi khử khuẩn bằng tia cực tím

Theo bà Hoa, các HTX, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất; giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ.

Đây là những thông số rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế đơn thuần mà còn cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc làm thế nào để từng bước nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng. Với ý chí vượt khó vươn lên, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp. Trong số đó, nhiều người đã thành công khi lựa chọn mô hình kinh tế hợp tác, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ.

Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã tuyên truyền nhân rộng các mô hình HTX do phụ nữ làm giám đốc điển hình. Tạo điều kiện để các HTX, phụ nữ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát triển các mô hình khởi nghiệp, giúp phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *