Category Archives: Tư vấn, Hỗ trợ

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong

Nữ doanh nhân Vũ Thị Lệ Thủy người dân tộc Mường tạo nên chuỗi liên kết trồng cam theo hướng hữu cơ, đem cam Cao Phong (Hòa Bình) đến tay khách hàng cao cấp.

Với mong ước tạo ra những sản phẩm cam Cao Phong ngon, sạch, an toàn… sánh ngang với các loại trái cây nhập khẩu, nữ doanh nhân Vũ Thị Lệ Thủy đã huy động bà con người dân tộc Mường tạo nên chuỗi liên kết trồng cam theo hướng hữu cơ, đem cam Cao Phong đến tay khách hàng cao cấp.

“Cam quà tặng cao cấp 3T farm”

Là người gắn bó với cây cam Cao Phong từ nhỏ, chị Vũ Thị Lệ Thủy (40 tuổi) – Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (HTX 3T farm) thuộc thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) luôn trăn trở làm sao để trồng cam theo hướng bền vững, tạo thương hiệu cam ngon sạch, có giá trị ổn định trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.

Chị Thủy cho biết, để cam Cao Phong có chỗ đứng trên thị trường, cần phải có quy trình sản xuất an toàn, minh bạch, có tem truy xuất rõ ràng. Năm 2018, chị Thủy thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong, cùng với các hộ dân thành viên trồng cam theo hướng hữu cơ, hình thành chuỗi liên kết vùng trồng, hỗ trợ người dân phân bón, kỹ thuật chăm sóc, kết nối bao tiêu sản phẩm.

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong
Chị Vũ Lệ Thủy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây cam với thành viên trong HTX

Theo chị Thủy, để quả cam đạt chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn thì ngoài việc dùng phân bón hữu cơ, HTX còn sử dụng các loại thảo mộc như: Gừng, tỏi, men rượu… để chăm bón cho cây cam. Bên cạnh đó, “bí kíp” của chị là cho cỏ mọc tại vườn cam để giữ nước, khiến đất tơi xốp, cây cam từ đó dễ hấp thụ chất dinh dưỡng, quả cam cũng căng tròn, mọng nước hơn.

Nói về sản phẩm “Cam quà tặng cao cấp 3T farm”, chị Thủy cho biết, đó là “đứa con tinh thần” của chị, dành nhiều tâm huyết và công sức nhất, bởi lẽ cả vườn cam sau khi thu hoạch, trái cam được chọn lọc rất kỹ càng, chỉ có khoảng 8 – 10% tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng theo hướng quà tặng cao cấp.

Sau khi phân loại, cam được đưa vào xưởng rửa sạch, chiếu đèn cực tím để khử trùng, dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả cam trước khi đóng gói vào hộp quà tặng được thiết kế bắt mắt, độc đáo. Chị hy vọng sản phẩm này sẽ sánh ngang với cái loại trái cây nhập khẩu, mục tiêu hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp trên thị trường.

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong
Anh Đặng Xuân Giáp phấn khởi vì năm nay cam Cao Phong được mùa, được giá

Anh Đặng Xuân Giáp (40 tuổi, xã Tây Phong) chia sẻ: “Gia đình tôi có 6.000m2 đất trồng cam với các loại cam canh, cam V2, cam lòng vàng. Từ khi tham gia vào HTX 3T farm, chúng tôi được chị Thủy và HTX 3T farm hỗ trợ rất nhiều về phân bón, cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây cam, nhất là việc không phải lo đầu ra sản phẩm. Năm nay, vườn cam nhà tôi dự kiến đạt khoảng hơn 20 tấn, thu về khoảng 600 triệu đồng”.

Đến nay, HTX 3T Farm có 15 thành viên và trên 20ha đất trồng cam đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng hơn 300 tấn/năm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, HTX còn có các sản phẩm chế biến từ cam như mứt cam, trà detox cam, bột cam nguyên chất… Đặc biệt, HTX đang phát triển thương hiệu sản phẩm “Cam quà tặng cao cấp 3T farm” hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, được thị trường ủng hộ, đón nhận.

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong
Chị Vũ Thị Lệ Thủy bên những trái cam sạch, căng tròn, mọng nước nhờ trồng theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP

Hiện cam 3T Farm đã được chứng nhận OCOP 4 sao với thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn và cửa hàng thực phẩm sạch. Tháng 11/2021, cam 3T Farm được duyệt và đưa vào phục vụ tại kỳ họp Quốc hội. HTX 3T Farm còn là 1 trong 35 dự án vượt qua hơn 740 dự án của cả nước đoạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. HTX cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, nhất là lao động nữ người dân tộc thiểu số.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Bà Đinh Thị Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến ngày 30/9/2023, toàn tỉnh Hòa Bình có 451 HTX đang hoạt động; trong đó có khoảng 60% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trên 320 HTX có người dân tộc thiểu số tham gia vào Ban lãnh đạo và trên 100 tổ hợp tác do người dân tộc thiểu số quản lý, vận hành hoạt động.

Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong
Cam Cao Phong của HTX 3T farm được rửa sạch trước khi đem đi khử khuẩn bằng tia cực tím

Theo bà Hoa, các HTX, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất; giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ.

Đây là những thông số rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế đơn thuần mà còn cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc làm thế nào để từng bước nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng. Với ý chí vượt khó vươn lên, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp. Trong số đó, nhiều người đã thành công khi lựa chọn mô hình kinh tế hợp tác, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ.

Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã tuyên truyền nhân rộng các mô hình HTX do phụ nữ làm giám đốc điển hình. Tạo điều kiện để các HTX, phụ nữ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát triển các mô hình khởi nghiệp, giúp phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội.

Hành trình 4 sao: Cam quà tặng cao cấp 3T Farm – hành trình 3 tốt

Trên các diễn đàn khởi nghiệp, chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong có lẽ là cái tên quen thuộc. Không chỉ được biết đến là người trồng cam lâu năm, chị Thủy còn là người đi những con đường chưa ai đi, làm những việc chưa ai làm chỉ với một mong muốn duy nhất: nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong. Chị chính là chủ nhân của sản phẩm OCOP 4 sao “Cam quà tặng cao cấp 3T farm” có tiếng thị trường.

dt 1052023940 cam bia

 Đã gặp chị Thuỷ khá nhiều lần tại các diễn đàn khởi nghiệp, ấn tượng về chị là một nữ giám đốc trẻ, năng động và có thể “nói không dứt” về cây cam quê mình. Hẹn gặp chị vào thời điểm người trồng cam tất bật thu hoạch đợt cuối giống cam muộn V2 để chuẩn bị cho niên vụ mới. Khác với khi lên diễn đàn, giản dị trong bộ đồ làm vườn, tay thoăn thoắt cắt cam, chị cho người đối diện thêm cảm nhận về một nữ giám đốc miệng nói tay làm và mọi tâm huyết, trăn trở đều xuất phát từ thực tiễn. Là giám đốc HTX, chị Thuỷ cũng là thợ trồng cam lành nghề.Với chị, những cây cam cũng là một cơ thể sống cần được cho ăn, chăm sóc và được “khám bệnh” hàng ngày. Chính vì vậy, ngay khi bước vào niên vụ mới, chị hướng dẫn các hộ thành viên HTX lấy mẫu cam gửi xuống Học viện Nông nghiệp nhờ các chuyên gia đầu ngành “bắt bệnh” cho cây. Chị chia sẻ: Cũng như con người trong một quá trình thai nghén,muốn cây cho ra những quả cam chất lượng thì cây phải khoẻ mạnh. Với việc định kỳ khám cho cây sẽ giúp người nông dân biết được cây đang thiếu chất gì, cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào để cây khoẻ, đề kháng tốt.

“Khám cho cây”là một trong những việc làm thường xuyên chị Thuỷ thực hiện từ khi quyết định sản xuất cam theo hướng hữu cơ. Đây là quy trình sản xuất chị đã mất rất nhiều “học phí”nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng bởi đó là phương châm, là kỳ vọng chị tin rằng qua đó có thể góp một phần nhỏ bé của mình để nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong. Quy trình ấy được thể hiện ngay trong tên gọi của HTX 3T nghĩa là 3 tốt: tốt đất, tốt giống và tốt từ tâm.

Chia sẻ về điều này, chị Thuỷ cho biết,từ khi cam Cao Phong còn chưa có tên tuổi trên thị trường, gia đình đã gắn bó với cây cam. Năm 2014, cam Cao Phong được công nhận Chỉ dẫn địa lý, giá cam tăng mạnh. 3 năm liên tiếp, giá cam tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần.Cũng từ đó,cam Cao Phong phát triển “nóng”, diện tích tăng chóng mặt. Người ta đưa cam lên đồi, xuống ruộng, vượt qua đỉnh Cun và dốc Quy Hậu để trồng khắp nơi. Kèm theo đó, quy trình sản xuất, chất lượng trái cam có nguy cơ thả nổi, không người quản lý. Thời điểm đó, chị Thuỷ nhận ra rằng, người người trồng cam, nhà nhà trồng cam, chẳng mấy chốc cam Cao Phong sẽ như một số loại nông sản khác không thể tiêu thụ được.
Vì vậy, chị tự nhủ phải làm gì đó để xây dựng được thương hiệu cam Cao Phong một cách lâu dài, bền vững.Nghĩ là làm, chị quyết định đăng ký với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc.Tuy nhiên, tại thời điểm đó, chị chẳng khác nào một chiến binh độc hành vì thực tế cam là cây trồng khó tính. Việc trồng cam theo hướng hữu cơ đòi hỏi nhiều công chăm sóc, vừa tốn kém, vừa mất thời gian. Mặc dù đưa ra sản phẩm cam sạch, chất lượng nhưng giá cả cũng không chênh lệch so với thị trường.Dù vậy, chị vẫn quyết tâm theo đuổi vì tin rằng, muốn giữ thương hiệu lâu dài phải làm dựa trên yêu cầu của thị trường, phải đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
                            ĐẾN CAM QUÀ TẶNG ĐẠT TIÊU CHUẨN 4 SAO
Trăn trở với việc đưa cam sạch ra thị trường,tháng 8/2018, một lần nữa chị Vũ Lệ Thủy đánh liều tiếp tục vay vốn thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong. Chị chia sẻ: Nhiều năm trồng cam, lời lãi được bao nhiêu là quay trở lại đầu tư, kiến thiết vào vườn. Vì vậy, khi HTX thành lập, vốn điều lệ chỉ hơn 200 triệu đồng do tôi tự vay mượn.Động lực lớn nhất thúc đẩy tôi kiên quyết duy trì và xây dựng cho 3T farm phát triển là do cam Cao Phong liên tục bị đánh cắp thương hiệu, bán ở khắp nơi với giá chỉ bằng nửa, thậm chí bằng 1/3 so với giá cam bán tại vườn.
Nhận thấy cam Cao Phong chỉ thu hút được khách hàng bình dân lựa chọn,khách hàng có thu nhập cao lại không chọn cam Cao Phong trong khi chất lượng cam không thua kém gì cam nhập khẩu, chị Thủy tự hỏi làm cách nào để đưa cam Cao Phong tiếp cận được với phân khúc khách hàng cao cấp? Câu hỏi đó thôi thúc chị cho ra sản phẩm “Cam quà tặng cao cấp 3T farm” gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh.
Điểm khác biệt nhất của “Cam quà tặng cao cấp 3T farm” là quá trình chăm sóc theo hướng hữu cơ. Khi thu hoạch, trái cam được chọn lọc rất khắt khe, chỉ có khoảng 8 – 10% tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng đạt tiêu chuẩn quà tặng cao cấp.Sau khi phân loại, cam được đưa vào xưởng rửa sạch, chiếu đèn cực tím để khử trùng, dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả cam trước khi đóng gói vào hộp quà tặng được thiết kế đẹp mắt. Với sự độc đáo đó, tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” năm 2019, “Cam quà tặng cao cấp 3T farm gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh” là 1 trong 35 dự án tiêu biểu được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn hỗ trợ. Năm 2020, “Cam quà tặng cao cấp 3T farm”được UBND huyện Cao Phong lựa chọn đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh và xuất sắc đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Chia sẻ về sản phẩm, chị Thuỷ cho biết: Niềm tự hào lớn nhất là sản phẩm cam quà tặng chính là kết tinh của hành trình 3 tốt mà HTX đã áp dụng trong quá trình sản xuất. Đó cũng là cái tâm mà 3T farm mong muốn gửi đến khách hàng của mình về một sản phẩm an toàn, chất lượng, vì sức khoẻ cộng đồng.
Thành công với sản phẩm OCOP 4 sao cam quà tặng nhưng đối với chị Thuỷ – người ưa độc hành trên những con đường mới thì mọi chuyện vẫn chưa dừng lại. Hiện chị tiếp tục nghiên cứu, học hỏi để đưa ra những dòng sản phẩm chế biến sâu từ trái cam như mứt cam, trà túi lọc cam, cinder cam, bột cam nguyên chất. Đây tiếp tục là con đường mới không hề đơn giản bởi giá trái cam tươi đầu vào khá cao, khi cho ra các sản phẩm chế biến giá thành cũng không hề thấp. Tuy nhiên, với mong muốn có thể tạo thành các chuỗi sản phẩm độc đáo, nâng tầm cam Cao Phong, chị sẵn sàng”trả phí”, sẵn sàng thử nghiệm như đó là một tất yếu trên con đường đi đến thành công.
Trích: Báo Hoà Bình

Gặt những “mùa vàng” trên đất Cao Phong

Hợp tác xã 3T Farm – huyện Cao Phong – Hoà Bình là mô hình tiêu biểu trong câu chuyện xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số, mở đường cho xu hướng trồng cam theo hướng hữu cơ ở tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, 3T Farm cũng đưa ra các sản phẩm từ Cam như hộp cam quà tặng, rượu cam… để đa dạng sản phẩm từ quả cam.

Đa dạng hoá sản phẩm cam Cao Phong

Bà Vũ Thị Lệ Thuỷ – Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm – khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, được nhiều người làm nông nghiệp cả nước biết đến bởi chị chính là chủ nhân của sản phẩm OCOP 4 sao “Cam quà tặng cao cấp 3T Farm”.

Gặt những “mùa vàng” trên đất Cao Phong

Gắn bó với đất cam từ tấm bé, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ thấu hiểu sự vất vả của người trồng cam, đặc biệt là bà con miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên đất Hoà Bình cũng như sự thăng trầm của quả cam Cao Phong. Hiện nay, HTX có 184 hộ, có 50% là người đồng bào vùng dân tộc thiểu số và 70% là người nghèo, cận nghèo và thoát nghèo.

Để cam Cao Phong có chỗ đứng bền vững trên thị trường, theo chị Thuỷ, cần phải sản xuất an toàn, minh bạch quy trình sản xuất, có tem truy xuất rõ ràng. Nói là làm, chị bắt tay thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Quy trình chăm sóc khắt khe, tốn nhiều công sức và chi phí, nhưng sản phẩm của chị khi đưa ra thị trường giá không cao hơn các sản phẩm khác là mấy.

Suy nghĩ một mình đi một con đường sẽ rất khó thành công, tháng 8/2018, chị Thuỷ mạnh dạn vay vốn thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong liên kết các hộ có cùng chí hướng, chung tay sản xuất. Đến nay, 3T Farm có 15 thành viên và 21ha đất trồng cam đang cho thu hoạch với sản lượng hàng năm khoảng 350 tấn đạt tiêu chuẩn VietGap và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, vùng sản xuất của 3T Farm tương đối lớn.

Cam 3T Farm đã được chứng nhận OCOP 4 sao với thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn và cửa hàng thực phẩm sạch. Tháng 11/2021, cam 3T Farm được duyệt và đưa vào phục vụ tại kỳ họp Quốc hội. Hợp tác xã 3T Farm còn là 1 trong 35 dự án vượt qua hơn 740 dự án của cả nước đoạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.

“Định hướng của HTX ngay từ ban đầu là sản xuất gắn với bảo vệ sức khỏe người lao động, người tiêu dùng và phát triển vì một nền kinh tế xanh bền vững. Chúng tôi nhận thức rằng liên kết sản xuất sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản. Các thành viên đoàn kết thực hiện phương châm của 3T Farm “Vườn cam 3 tốt: tốt giống, tốt đất và tốt từ tâm”. Chỉ có như vậy thì thương hiệu và sản phẩm cam Cao Phong mới có thương hiệu, đứng vững trên thị trường” – bà Vũ Thị Lệ Thuỷ chia sẻ.

Ngoài cam tươi, 3T Farm còn có các sản phẩm chế biến từ cam như mứt cam, detox cam, bột cam nguyên chất, trà hoa cúc, trà hoa đu đủ đực, trà hoa đậu biếc… HTX đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử

Có được nguồn nông sản tốt, HTX 3T Farm còn nỗ lực đa dạng đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh các kênh truyền thống, trước đây, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ chỉ sử dụng facebook để giao lưu với cộng đồng làm nông nghiệp sạch, chia sẻ quá trình canh tác nhưng nhiều người comment hỏi mua, rồi dần dần facebook, zalo thành kênh quảng bá và bán hàng chính.

Mỗi lần livestream, hợp tác xã có thể chốt bán vài tạ cam, chưa kể các bài đăng lẻ, đăng trong hội nhóm. Công nghệ đã giúp kết nối những mối hàng từ Bắc vào Nam, mang tới cho hợp tác xã hàng nghìn đơn hàng.

Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm còn xây dựng thêm fanpage cho hợp tác xã và hướng dẫn các thành viên khác livestream bán hàng trên trang cá nhân.

Hiện tại, hợp tác xã cơ bản chủ động về đầu ra, 70 – 80% đơn hàng được chốt qua nền tảng công nghệ, thay vì chờ thương lái đến vườn thu mua như trước kia.

Ngoài mạng xã hội, HTX 3T Farm còn phối hợp với Bưu điện huyện Cao Phong xúc tiến đưa cam và sản phẩm chế biến từ cam lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Sử dụng các kênh thương mại điện tử có thuận lợi là  tiếp cận đến người tiêu dùng nhanh và tiếp cận được đến số đông và đến được phân khúc khách hàng mục tiêu mà mình mong muốn. Tuy nhiên, bà Thuỷ chia sẻ, trong quá trình đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử, hợp tác xã phải đối diện với không ít khó khăn. Trước hết là thành viên hợp tác xã 100% là nông dân, trong đó có 50% là người đồng bào vùng dân tộc thiểu số và 70% là người nghèo, cận nghèo và thoát nghèo, nên kiến thức về công nghệ của gần như là bằng 0 nên chưa khai thác, sử dụng các nền tảng số một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, do đặc thù sản phẩm của hợp tác xã là nông sản tươi nên quá trình vận chuyển rất dễ bị hư hỏng, bị méo dập… Những hạn chế này là rào cản để đưa sản phẩm của hợp tác xã bán rộng rãi trên các nền tảng online, sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, bởi vì 3T Farm hướng đến quy trình sản xuất an toàn và giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất. Do vậy khi mà mùa vụ tới thì các loại côn trùng chích, hút sản phẩm rất nhiều, sản phẩm hàng loại 2, loại 3 rất lớn, chất lượng bên trong rất tốt nhưng về hình thức, mẫu mã bên ngoài thì không đẹp. Trong khi đó nhu cầu người tiêu dùng bây giờ không chỉ đòi hỏi ngon bổ mà phải đẹp.

Do đó, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ mong muốn được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực để có thể tự vận hành được việc mà chúng tôi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, được hỗ trợ việc hoàn thiện các sản phẩm chế biến theo các tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm chế biến, đáp ứng được các yêu cầu về mặt chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, HTX mong muốn đưa sản phẩm của mình giới thiệu, quảng bá ở thị trường bên ngoài tỉnh để đa dạng hoá đầu ra cho sản phẩm.

(Theo Bộ Công thương)

HTX thành công từ sản xuất xanh, sạch, an toàn

HTX 3T nông sản Cao Phong thành lập tháng 8/2018 với 7 thành viên, tổng diện tích sản xuất 12,5 ha. Đến nay, HTX đã thu hút 25 thành viên với tổng diện tích canh tác 43,2 ha. Dù thành lập chưa lâu, nhưng HTX luôn thực hiện tốt quy trình sản xuất, chăm sóc cam và đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn.

HTX 3T nông sản Cao Phong (3T Farm) ở thị trấn Cao Phong, Hòa Bình có 7 thành viên, tổng diện tích sản xuất 43,2 ha. Các thành viên HTX luôn có ý thức sản xuất sạch nhằm bảo đảm an toàn lao động và an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Người lao động được bảo đảm an toàn khi làm việc tại HTX

Thành lập năm 2018, đến nay, HTX luôn thực hiện tốt quy trình sản xuất cam và đã được cấp chứng nhận an toàn VietGAP. Sản phẩm của HTX góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong.

Xây dựng môi trường làm việc

Đến HTX, cảm nhận đầu tiên là khu vực sản xuất luôn có không khí trong lành, khuôn viên khu vực sơ chế khang trang, sạch, đẹp, thân thiện bảo đảm quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị. Có được điều đó là do HTX đã tích cực đẩy mạnh sản xuất theo hướng “xanh-sạch-an toàn lao động”. Toàn bộ diện tích cam luôn được các thành viên chăm sóc hàng ngày nhằm bảo đảm từng công đoạn sản xuất.

Anh Đỗ Anh Tuấn, thành viên HTX, cho biết: Trước đây, gia đình anh trồng cam theo phương pháp truyền thống. Tham gia HTX, gia đình anh cũng như các hộ khác chuyển đổi sang canh tác theo quy trình VietGAP. HTX đại diện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn hộ thành viên về kỹ thuật, quy trình sản xuất nên tất cả các thành viên đều giảm được chi phí mua giống, vật tư nông nghiệp.

Sản phẩm cam an toàn của HTX

Đối với những hộ thành viên trồng mới hoàn toàn, HTX hỗ trợ tới 60% cây giống. Việc sử dụng phân vi sinh và các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ (trùn quế, ngô, đậu tương, cá tươi ủ với men vi sinh hữu cơ) giúp sản phẩm khi thu hoạch có chất lượng tốt, an toàn nên được khách hàng tin tưởng. Nhờ đó, giá đầu ra ổn định, đời sống các hộ thành viên được bảo đảm.

Hiện, HTX duy trì để một số loài cỏ mọc tự nhiên trong vườn cam, trong đó có cỏ thài lài nhằm giữ ẩm cho vườn trong mùa khô, chống xói mòn trong mùa mưa. Cỏ cũng giúp cung cấp thêm chất mùn cho vườn để cải tạo đất, giúp đất tơi xốp hơn. Thảm cỏ còn là nơi cư trú và sinh sống của nhiều loại côn trùng có ích, giúp tiêu diệt sâu hại cho vườn cam.

Theo chia sẻ của anh Đỗ Anh Tuấn, nếu vườn có trồng cỏ thài lài thì cam phát triển tốt hơn, cho năng suất cao hơn và tuổi thọ của cây cũng kéo dài hơn. Đất ít bị chai hơn so với vườn không trồng cỏ.

Sự hài lòng của người lao động

Bà Vũ Thị Lệ Thuỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong, cho biết: “Với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sự chấp hành nghiêm túc nội quy do HTX đề ra, sản phẩm của HTX khi đưa ra thị trường đã được nhiều khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực bởi hương vị đậm đà, mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm tốt, an toàn đối với sức khoẻ người sử dụng”.

Hiện nay, sản phẩm cam sạch của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hoá và TP.HCM.

Đặc biệt quy trình sản xuất sạch đã giúp những người nông dân được làm việc trong môi trường an toàn. Khu vực để thuốc, vật tư được bố trí xây dựng ngay trong vườn cam để dễ dàng vận chuyển, hạn chế phát tán các chất độc hại ra môi trường bên ngoài. Tại khu vực sơ chế, HTX cũng triển khai lắp đặt chuỗi dây chuyền gồm các quy trình: phân loại sản phẩm, sục rửa ozone, sấy khô và bao màng sinh học, dán tem truy xuất nguồn gốc tự động.

Anh Đỗ Anh Tuấn cho biết từ khi tham gia HTX, anh rất thích làm việc tại đây bởi xung quanh khuôn viên trụ sở và khu vực sản xuất của HTX đã được phủ bằng cây xanh, bồn hoa, cây cảnh, cây ăn quả tạo bóng mát để người lao động thư giãn, tận hưởng không gian mát mẻ. Đặc biệt, xưởng sơ chế có hệ thống làm mát, ánh sáng và trang bị bảo hộ lao động cho người lao động đảm bảo yêu cầu. Chính vì vậy, không chỉ riêng anh mà nhiều lao động đang làm việc tại HTX cũng cảm thấy hài lòng và thoải mái với điều kiện làm việc.

Hiện, quy trình sản xuất “xanh-sạch-an toàn lao động” không chỉ dừng lại ở phong trào mà còn được HTX triển khai thành các hoạt động cụ thể, hướng đến lợi ích cho thành viên, người lao động. Ngoài tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, HTX còn tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, an toàn lao động cho mọi người. Nhờ đó, dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng HTX có thể phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, góp phần bảo vệ môi trường, nâng chất lượng lao động tại vùng nông thôn.

Để góp phần giữ vững thương hiệu cam Cao Phong nói chung, mở rộng thị trường cho sản phẩm cam của HTX nói riêng, HTX đang phấn đấu sẽ có 5 ha cam được cấp chứng nhận hữu cơ trong năm 2021.

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Hợp tác xã 3T Farm: Liên kết làm nên thương hiệu

Điểm khác biệt nhất mà khách hàng biết về sản phẩm cam của Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (HTX 3T Farm) đó là sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh. Còn với chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX thì thế mạnh và là điểm khác biệt của 3T Farm là sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với các hộ sản xuất.

Thành lập HTX để tận dụng cơ hội

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm, khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, được nhiều người làm nông nghiệp cả nước biết đến bởi chị chính là chủ nhân của sản phẩm OCOP 4 sao “Cam quà tặng cao cấp 3T Farm”.

Chị Thuỷ quê gốc Nam Định, theo gia đình lên Cao Phong từ năm 1989. Bố chị công tác ở nông trường quốc doanh cam Cao Phong. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tây Bắc, chị Thủy tham gia giảng dạy và làm thêm nhiều nghề để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Cuối năm 2014, chị quyết định quay về lập nghiệp với cây cam. Gắn bó với đất cam từ tấm bé, chị Thuỷ thấu hiểu sự vất vả của người trồng cam cũng như sự thăng trầm của cam Cao Phong.

Để cam Cao Phong có chỗ đứng bền vững trên thị trường, theo chị Thuỷ, cần phải sản xuất an toàn, minh bạch quy trình sản xuất, có tem truy xuất rõ ràng. Nói là làm, chị bắt tay thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Quy trình chăm sóc khắt khe, tốn nhiều công sức và chi phí, nhưng sản phẩm của chị khi đưa ra thị trường giá không cao hơn các sản phẩm khác là mấy.

 

“Cam quà tặng cao cấp 3T Farm” đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
“Muốn có những trái cam ngon thì phải có vườn cam khoẻ. Muốn có một quy trình canh tác tốt vừa bảo vệ đất, bảo vệ cây, bảo vệ sức khoẻ người lao động, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng thì chẳng có cách nào hơn ngoài sự đoàn kết một lòng, sự kiên trì bền bỉ, sự chung tay chung mục tiêu của người quản lý 3T Farm cũng như các hộ thành viên liên kết”.

Suy nghĩ một mình đi một con đường sẽ rất khó thành công, tháng 8/2018, chị Thuỷ mạnh dạn vay vốn thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong liên kết các hộ có cùng chí hướng, chung tay sản xuất. Đến nay, 3T Farm có 15 thành viên và 21ha đất trồng cam đang cho thu hoạch với sản lượng hàng năm khoảng 350 tấn đạt tiêu chuẩn VietGap và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cam 3T Farm đã được chứng nhận OCOP 4 sao với thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn và cửa hàng thực phẩm sạch. Tháng 11/2021, cam 3T Farm được duyệt và đưa vào phục vụ tại kỳ họp Quốc hội. Hợp tác xã 3T Farm còn là 1 trong 35 dự án vượt qua hơn 740 dự án của cả nước đoạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.

Ngoài cam tươi, 3T Farm còn có các sản phẩm chế biến từ cam như mứt cam, detox cam, bột cam nguyên chất, trà hoa cúc, trà hoa đu đủ đực, trà hoa đậu biếc… HTX đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy cho biết: “Định hướng của HTX ngay từ ban đầu là sản xuất gắn với bảo vệ sức khỏe người lao động, người tiêu dùng và phát triển vì một nền kinh tế xanh bền vững. Chúng tôi nhận thức rằng liên kết sản xuất sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản. Các thành viên đoàn kết thực hiện phương châm của 3T Farm “Vườn cam 3 tốt: tốt giống, tốt đất và tốt từ tâm”. Chỉ có như vậy thì thương hiệu và sản phẩm cam Cao Phong mới có thương hiệu, đứng vững trên thị trường”.

Áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất

Sản phẩm cam tươi của HTX 3T Farm sau khi thu hoạch được đưa về xưởng sơ chế, phân loại bằng dây chuyền sơ chế bao gồm sục rửa ozone, làm sạch và sấy khô trước khi đóng gói. 100% sản phẩm ra thị trường đều có truy xuất nguồn gốc với bao bì đóng gói cẩn thận và các thông tin đầy đủ của HTX để tạo niềm tin với khách hàng.

 

Cam được sơ chế, đóng gói cẩn thận.

HTX tiên phong áp dụng nhật kí điện tử vào sản xuất và được các thành viên đồng tình ủng hộ. Mặc dù việc cập nhật công nghệ số không phải là việc làm đơn giản với nông dân nhưng HTX đã cử cán bộ phụ trách trực tiếp hỗ trợ hàng ngày, từng hoạt động chăm sóc của các hộ đều được cập nhật vào phần mềm.

Chị Thuỷ cho biết: “Thế mạnh và là điểm khác biệt của 3T Farm so với các đơn vị sản xuất khác đó chính là sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với các hộ sản xuất. Ngoài nhật kí điện tử dành cho từng hộ, từng thửa đất thì công việc hàng ngày chúng tôi luôn luôn cập nhật, chia sẻ mọi thông tin trên group của 3T Farm”.

HTX đã phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, để du khách có thể tham quan, trải nghiệm tại vườn, xây dựng nhà sàn truyền thống của người Mường làm chỗ nghỉ ngơi, trải nghiệm văn hoá ẩm thực cho du khách sau khi thăm vườn cam. Nhờ đó, sản phẩm OCOP 4 sao cam quà tặng cao cấp của HTX được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng.

Trước mắt HTX 3T Farm vẫn còn nhiều thách thức, như: trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý chưa cao nhất là trình độ công nghệ thông tin; chưa đủ khả năng tài chính để thu hút được nhân sự có trình độ về làm việc; chưa có máy móc trang thiết bị nhà xưởng phát triển sản phẩm chế biến chuyên sâu; chưa có trụ sở làm việc riêng biệt, và nhất là chưa có điểm bán và trưng bày giới thiệu sản phẩm. Theo chị Thủy, những khoảng trống này nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền thì sẽ khó lấp đầy./.

Nguồn: VOV